Tổng quan về vai trò của Mặt trận miền Đông Mặt_trận_miền_Đông_(Nội_chiến_Hoa_Kỳ)

Trong lịch sử cuộc Nội chiến, Mặt trận miền Đông có nhiều chiến dịch nổi tiếng hơn miền Tây, không chỉ về giá trị chiến lược mà còn vì nó liên quan đến nhiều trung tâm dân cư lớn, nơi có nhiều tờ báo lớn và thủ đô của cả hai phe. Dân chúng hai miền Nam Bắc đều bị cuốn theo những cuộc chiến đậm chất anh hùng ca giữa Binh đoàn Bắc Virginia của miền Nam do viên tướng trứ danh Robert E. Lee điều động với Binh đoàn Potomac của miền Bắc dưới quyền chỉ huy của một loạt các vị tướng kém thành công hơn. Hai trận đánh tàn khốc nhất của cuộc chiến cũng xảy ra tại Mặt trận miền Đông: Trận Antietam với số tử vong trong một ngày cao nhất, và Trận Gettysburg với số tử vong cao nhất trong một trận. Cả thủ đô Washington, D.C. của Liên bang miền Bắc lẫn Richmond của Liên minh miền Nam đều đã bị bao vây hoặc tấn công. Mặc dù mặt trận miền Tây được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược lớn hơn trong việc đánh bại Liên minh miền Nam, nhưng người dân cả hai bên đều xem mốc kết thúc cuộc Nội chiến là khi tướng Lee đầu hàng tại làng Appomattox Court House ngày 9 tháng 4 năm 1865.[1]

Phần lớn các trận đánh ở miền Đông xảy ra tại khu vực địa hình chiến đấu có lợi cho quân phòng thủ miền Nam vì có nhiều sông rạch chảy theo hướng từ tây sang đông, gây trở ngại trong việc di chuyển và liên lạc của quân miền Bắc. Điều này hoàn toàn khác so với tình hình mấy năm đầu tại Mặt trận miền Tây, và do quân miền Bắc phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đường sá thô sơ thời đó để vận chuyển, nên đã làm hạn chế các chiến dịch vào mùa đông của cả hai bên. Quân miền Bắc có lợi thế là làm chủ vùng biển và các con sông lớn, cho phép họ bố trí một đội quân đóng gần biển để được tăng viện và tiếp tế.[2]